Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Phần I: Đọc hiểu (3.0điểm)

Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Ðường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô-tô méo mó, han gỉ nằm trong đất.

(Ngữ văn 9, tập hai )

1) Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? 

2. Nêu hoàn cảnh sáng tác tác phẩm có đoạn văn trên?

3) Kể tên ba cô gái được nhắc tới trong hai câu văn đầu.

4) Khái quát nội dung của đoạn trích trên bằng một câu văn.

5) Nêu những phương thức biểu đạt trong đoạn trích.

doc 5 trang Huy Khiêm 20/10/2023 3940
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Hải Dương (Có đáp án)
SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG
ĐỀ THI THỬ
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2018 - 2019 Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 120 phút 
Phần I: Đọc hiểu (3.0điểm)
Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Ðường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô-tô méo mó, han gỉ nằm trong đất.
(Ngữ văn 9, tập hai )
1) Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? 
2. Nêu hoàn cảnh sáng tác tác phẩm có đoạn văn trên?
3) Kể tên ba cô gái được nhắc tới trong hai câu văn đầu.
4) Khái quát nội dung của đoạn trích trên bằng một câu văn.
5) Nêu những phương thức biểu đạt trong đoạn trích.
6) Tác phẩm có đoạn văn trên thuộc thể loại văn học nào? 
Phần II. TẬP LÀM VĂN ( 7.0 điểm)
Câu 1 ( 2.0 điểm)
 	 Em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về lòng biết ơn trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân qua đoạn thơ sau:
“ Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.”
(Trích “Cảnh ngày xuân” - Truyện Kiều của Nguyễn Du)
HƯỚNG DẪN CHẤM
Phần I: Đọc hiểu (3.0điểm)
Câu
Nội dung
Điểm
Tác phầm: “ Những ngôi sao xa xôi”: 
Tác giả: Lê Minh Khuê
0.25
0.25
Viết năm 1971 trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt: 
0.5
Phương Định, Nho và chị Thao
0.5
Giới thiệu ba cô gái thanh niên xung phong Phương Định, Nho và Thao sống và làm việc trên một trọng điểm vô cùng ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: 
0.75
Tự sự kết hợp miêu tả
0.5
Thể loại: truyện ngắn
0.25
Phần II. TẬP LÀM VĂN ( 7.0 điểm)
Câu 1 
Nội dung
Điểm
a, Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận có đủ câu chủ đề. 
0.25
b, Xác định đúng vấn đề nghị luận: lòng biết ơn trong cuộc sống
0.25
c, Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.
- Biết ơn là ghi nhớ (nhớ ơn), bày tỏ thái độ trân trọng trước những điều tốt đẹp mà mình được hưởng do có công lao của người khác, có việc làm đền ơn, đáp nghĩa xứng đáng với công lao đó, lòng biết ơn còn gọi là tri ân.
- Mọi thành quả trên đời từ vật chất đến tinh thần đều không tự nhiên mà có. Đó là do thế hệ trước đã phải đổ mồ hôi, công sức thậm chí là xương máu mới có được.
- Con người không sống đơn lẻ mà sống trong cộng đồng, được nhận nhiều điều tốt đẹp của người khác.
- Là phẩm chất cần thiết, góp phần hoàn thiện nhân cách con người.
- Lòng biết ơn làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp, xã hội ngày càng văn minh. 
- Lòng biết ơn là đạo lí, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
- Người có lòng biết ơn sẽ luôn nhớ ơn những người đã chiến đấu, hi sinh bảo vệ quê hương, đất nước, những người có công sinh thành, dưỡng dục mình hoặc biết ơn những người đã giúp đỡ mình lúc khó khăn, hoạn nạn từ đó có những việc làm cụ thể để đền đáp.
- Cần phê phán những người sống vong ân bội nghĩa trong xã hội.
- Bản thân cần hiểu sâu sắc về lòng biết ơn để từ đó có cách ứng xử đúng đắn với quá khứ, gia đình, xã hội. 
1
d, Sáng tạo: có suy nghĩ sâu sắc, có sự diễn đạt mới mẻ, ấn tượng về vấn đề nghị luận.
0.25
e, Đảm bảo đúng chính tả, đúng ngữ pháp.
0.25
Câu 2. (5,0 điểm)
Nội dung
Điểm
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài nghị luận văn học: có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai làm sáng tỏ các luận điểm. Kết bài khái quát được nội dung nghị luận
0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
0.25
c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:
 1. Mở bài: 
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu vấn đề nghị luận và đoạn thơ.( HS không cần chép lại đoạn thơ nhưng phải giới thiệu được đoạn trích Cảnh ngày xuân)
2. Thân bài
a.Khái quát: “Cảnh ngày xuân” là đoạn thơ tiêu biểu nhất trong Truyện Kiều về bút pháp nghệ thuật tả cảnh, tả tình của Nguyễn Du. Đoạn trích gồm 18 câu thơ nằm ở phần đầu của tác phẩm có tên là “Gặp gỡ và đính ước”.
 - Kết cấu đoạn trích: theo trình tự thời gian của cuộc du xuân. Bốn câu đầu: Khung cảnh ngày xuân. Tám câu tiếp: khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh. Sáu câu cuối: cảnh chị em Kiều du xuân trở về. Qua đó vẽ lên bức tranh thiên nhiên lễ hội mùa xuân trong sáng, tươi đẹp.
b. Phân tích
* Bốn câu thơ đầu: Khung cảnh ngày xuân.
- Hai câu đầu là hình ảnh khái quát về một ngày xuân tươi đẹp với hình ảnh cánh én chao liệng trên bầu trời thanh bình tràn ngập ánh xuân tươi tắn trong sáng. Đồng thời, thông qua bút pháp nghệ thuật ẩn dụ tinh tế, nhà thơ cũng ngỏ ý thời gian trôi nhanh quá, ngày xuân qua nhanh quá như “con én đưa thoi”, chín mươi ngày xuân mà nay “đã ngoài sáu mươi”. Cách tính thời gian, sự cảm nhận về thời gian của thi nhân thật sâu sắc, tinh tế và thi vị. Hai chữ “thiều quang” không chỉ gợi lên cái màu hồng của ánh xuân, cái ấm áp của khí xuân mà còn gợi lên cái mênh mông bao la của đất trời mùa xuân.
- Hai câu thơ tiếp theo mới thực là bức tranh tuyệt mĩ: “Cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Đây là bức chân dung của cảnh ngày xuân, chỉ giản đơn có cỏ xanh, hoa trắng mà đủ cảnh, đủ màu, làm hiện lên cả một không gian mùa xuân khoáng đạt, một không gian nghệ thuật hữu hình, hữu sắc, hữu hương. Trên không gian bao la rộng lớn của bầu trời, mặt đất là thảm cỏ xanh non mơn mởn, ngào ngạt hương thơm trải dài tít tắp đến tận chân trời. Nổi bật trên mầu xanh thanh bình của bầu trời, trên màu xanh non ngọt ngào của thảm cỏ là màu trắng tinh khiết của hoa lê. ở đây, Nguyễn Du học tập hai câu thơ cổ Trung Quốc: “Phương thảo liên thiên bích - Lê chi sổ điểm hoa”, nhưng khi đưa vào bài thơ của mình, tác giả đã rất sáng tạo. Câu thơ Trung Quốc dùng hình ảnh “cỏ thơm” (phương thảo) thiên về mùi vị thì Nguyễn Du thay bằng “cỏ xanh” thiên về màu sắc. Đó là màu xanh nhạt pha với vàng chanh tươi tắn hợp với màu lam trong sáng của nền trời buổi chiều xuân làm thành gam nền cho bức tranh, trên đó điểm xuyết những đốm trắng hoa lê. Bức tranh dung hoà những sắc độ lạnh mà bên trong vẫn rạo rực sức sống tươi mới của mùa xuân. Chữ “trắng” đảo lên trước tạo bất ngờ sự mới mẻ, tinh khôi, thanh khiết như kết tinh những tinh hoa của trời đất. Chữ “điểm” gợi bàn tay người hoạ sĩ vẽ nên thơ nên hoa, bàn tay tạo hoá tô điểm cho cảnh xuân tươi, làm bức tranh trở nên có hồn, sống động.
- Hai câu thơ tả cảnh thiên nhiên của Nguyễn Du quả là tuyệt bút! Ngòi bút của Nguyễn Du tài hoa giàu chất tạo hình, ngôn ngữ biểu cảm, gợi tả. Tác giả đã rất thành công trong bút pháp nghệ thuật kết hợp giữa tả và gợi. Qua đó, ta thấy tâm hồn con người tươi vui, phấn chấn trong cái nhìn thiên nhiên trong trẻo, tươi tắn, hồn nhiên, nhạy cảm tha thiết với vẻ đẹp thiên nhiên.
* Tám câu thơ tiếp: khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh .
- Nguyễn Du đã rất tài tình khi tách hai từ Lễ hội ra làm đôi để gợi tả hai hoạt động diễn ra cùng một lúc: Lễ tảo mộ, Hội đạp thanh. Vào ngày Thanh minh, tiết đầu tháng ba, mùa xuân khí trời mát mẻ, người ta đi quét tước, sửa sang lại phần mộ của người thân nên có lễ tảo mộ. Mùa xuân cũng là dịp để đi chơi ở chốn đồng quê, được giẫm lên cỏ xanh giữa đất trời mùa xuân trong trẻo là một cáI thú, nên việc chơi xuân ấy mới trở thành ngày hội, gọi là hội đạp thanh.
- Không khí lễ hội được gợi tả từ một hệ thống từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:
+ Nhiều danh từ ghép (yến anh, tài tử, giai nhân, chị em, ngựa xe, áo quần) gợi tả sự đông vui tấp nập, nhiều người đI hội mà chủ yếu là trai thanh gáI lịch, nam thanh nữ tú. 
+ Đoạn thơ sử dụng nhiều tính từ (nô nức, gần xa, ngổn ngang) gợi tả tâm trạng háo hức người đi hội.
+ Các động từ (sắm sửa, dập dìu) gợi tả được không khí rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội.
+ Cụm từ “nô nức yến anh” là một ẩn dụ gợi lên hình ảnh từng đoàn nam thanh, nữ tú nô nức đi chơi xuân như những đàn chim én, chim oanh bay ríu rít. Trong lễ hội mùa xuân náo nhiệt nổi bật những nam thanh nữ tú, những “tài tử giai nhân” tay trong tay dạo chơi, niềm vui lễ hội như bao trùm cả nhân gian. Những so sánh rất giản dị “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” giúp người đọc hình dung cảnh ngày hội vô cùng đông vui, náo nhiệt: ngựa xe nối nhau như dòng nước bất tận, người đi dự hội mặc trang phục đẹp đi lại đông đúc, chật như nêm cối. . - Thông qua buổi du xuân của chị em Thuý Kiều, tác giả khắc hoạ hình ảnh một truyền thống văn hoá lễ hội xa xưa.
- “Lễ là tảo mộ” là lễ thăm viếng, sửa sang, quét tước phần mộ người thân. Trong lễ tảo mộ, người ta rắc những thoi vàng vó, đốt tiền giấy hàng mã để tưởng nhớ những người đã khuất. “Hội là đạp thanh” – vui chơi chốn đồng quê, đạp lên những thảm cỏ xanh, là một cuộc sống hiện tại và có thể tìm đến những sợi tơ hồng của mai sau. “Lễ” là hồi ức và tưởng niệm quá khứ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “hội” là khát khao và hoài vọng nhìn về phía trước của cuộc đời. Lễ và hội trong tiết Thanh minh là một sự giao hoà độc đáo. 
- Thông qua lễ hội du xuân của chị em Thuý Kiều, tác giả khắc hoạ hình ảnh một truyền thống đẹp về văn hoá lễ hội xa xưa. Chứng tỏ nhà thơ rất yêu quý, trân trọng vẻ đẹp và giá trị truyền thống văn hoá dân tộc.
3.Kết bài.- Đoạn thơ có kết cấu hợp lý, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, kết hợp giữa bút pháp tả với bút phát gợi có tính chất điểm xuyết chấm phá
-Nguyễn Du đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp, tươi vui, sống động, hữu hình, hữu sắc, hữu hương; một khung cảnh lễ hội mùa xuân tươi vui, nhộn nhịp, trong sáng. 
-Với nét bút tài hoa, với tấm lòng nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Du đã làm dâng lên trong lòng người đọc một vẻ đẹp thanh xuân, một niềm vui xôn xao náo nứcvề cảnh về tình, đậm đà dân tộc.
4
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
0.25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
0.25
* Lưu ý: Giáo khảo vận dụng linh hoạt đáp án để chấm điểm; khuyến khích những bài làm sáng tạo.

File đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_vao_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2018_2.doc