Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Vũ Hữu - Mã đề 01 (Kèm hướng dẫn chấm)

Câu 1(2điểm):

             Cho đoạn văn: “Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán... Lời ca thong thả,trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền, gái lịch.”

                                              (Ca Huế trên sông Hương- Hà Ánh Minh)

               Đoạn văn trên khiến em liên tưởng đến đến những câu thơ nào trong một tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9? Cảm nhận về vẻ đẹp của những câu thơ vừa tìm được.

 

Câu 2 (3 điểm):

                                  Những bậc thang và pho tượng phật

           Ngày xưa, trong một ngôi đền có một bức tượng phật được khắc từ đá granite hết sức tinh xảo. Hằng ngày đều có nhiều người đến khấn vái, cầu nguyện. Những bậc thang dẫn đến bức tượng phật cũng được cắt gọt từ cùng một tảng đá làm ra bức tượng ấy.
           Đến một ngày nọ, những bậc thang trở nên bất mãn và đưa ra lời phản kháng rằng: "Chúng ta vốn là anh em, cùng sinh ra từ một tảng đá. Cớ gì mà họ có quyền chà đạp lên chúng ta mà lại cúi đầu trước anh? Anh có gì hay nào?". Phiến đá  tạo nên pho tượng phật điềm tĩnh trả lời: "Đó là vì anh chỉ phải chịu bốn nhát dao là đã có hình dáng như ngày nay rồi, nhưng tôi đã phải chịu mười ngàn nhát cắt và đục thì mới thành một bức tượng Phật".


 

doc 5 trang Huy Khiêm 01/12/2023 4080
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Vũ Hữu - Mã đề 01 (Kèm hướng dẫn chấm)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Vũ Hữu - Mã đề 01 (Kèm hướng dẫn chấm)

Đề thi môn Ngữ văn Lớp 9 - Trường THCS Vũ Hữu - Mã đề 01 (Kèm hướng dẫn chấm)
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
TRƯỜNG THCS VŨ HỮU
MÃ ĐỀ 01
..
ĐỀ THI NGỮ VĂN LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 PHÚT
( Đề này gồm 3 câu, 01 trang)
Câu 1(2điểm):
 Cho đoạn văn: “Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán... Lời ca thong thả,trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền, gái lịch.”
 (Ca Huế trên sông Hương- Hà Ánh Minh)
 Đoạn văn trên khiến em liên tưởng đến đến những câu thơ nào trong một tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9? Cảm nhận về vẻ đẹp của những câu thơ vừa tìm được.
Câu 2 (3 điểm):
 Những bậc thang và pho tượng phật
 Ngày xưa, trong một ngôi đền có một bức tượng phật được khắc từ đá granite hết sức tinh xảo. Hằng ngày đều có nhiều người đến khấn vái, cầu nguyện. Những bậc thang dẫn đến bức tượng phật cũng được cắt gọt từ cùng một tảng đá làm ra bức tượng ấy.
 Đến một ngày nọ, những bậc thang trở nên bất mãn và đưa ra lời phản kháng rằng: "Chúng ta vốn là anh em, cùng sinh ra từ một tảng đá. Cớ gì mà họ có quyền chà đạp lên chúng ta mà lại cúi đầu trước anh? Anh có gì hay nào?". Phiến đá  tạo nên pho tượng phật điềm tĩnh trả lời: "Đó là vì anh chỉ phải chịu bốn nhát dao là đã có hình dáng như ngày nay rồi, nhưng tôi đã phải chịu mười ngàn nhát cắt và đục thì mới thành một bức tượng Phật".
 (Nguồn: In-tơ-nét)
	Suy nghĩ của em từ câu chuyện trên?
Câu 3 ( 5 điểm):
 Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động trong thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945-1975 qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 tập I.
Hết
Họ và tên thí sinh:Số báo danh..
Chữ kí của giám thị 1:Chữ kí của giám thị 2:
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
TRƯỜNG THCS VŨ HỮU
MÃ ĐỀ
.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI NGỮ VĂN LỚP 9
MÔN: NGỮ VĂN
 (hướng dẫn chấm  gồm 04 trang)
HƯỚNG DẪN CHẤM
A. YÊU CẦU CHUNG
 - Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
 - Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
Lưu ý: Điểm bài thi có thể để lẻ đến 0,25 điểm và không làm tròn.
B. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1 (2 điểm):
	* Chép đúng khổ thơ: (0,25 điểm)
“Mùa xuân- ta xin hát
 Câu Nam ai, Nam bình
 Nước non ngàn dặm mình
 Nước non ngàn dặm tình
 Nhịp phách tiền đất Huế.”
	* Giới thiệu những nét cơ bản về các tác giả, tác phẩm, đoạn thơ (0,25 điểm).
	* Chỉ ra vẻ đẹp về nghệ thuật (0,75 điểm):
	- Câu thơ đầu với dấu gạch ngang không chỉ làm đầy đủ ý thơ mà còn giúp chúng ta nhận ra cội nguồn của tiếng hát là mùa xuân.
 - Điệp ngữ, điệp cấu trúc ngữ pháp gợi liên tưởng về một không gian rộng lớn, trải dài, gợi liên tưởng đến lãnh thổ, truyền thống lịch sử, nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam
 - Các đại từ được sử dụng linh hoạt, tinh tế: đại từ “ta”, “mình”
 - Phép điệp ngữ với từ “đất nước” được lặp lại hai lần đã thể hiện sự bền bỉ, kiên cường.
	* Chỉ ra vẻ đẹp về nội dung tư tưởng (0,5 điểm):
 - Niềm lạc quan, yêu đời, niềm tự hào truyền thống văn hoá (Văn hoá phi vật thể)
 - Tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.
	* Đánh giá (0,25 điểm):
 	- Đặt bài thơ vào hoàn cảnh nhà thơ đang nằm trên giường bênh, ta càng trân trọng lòng yêu đời, yêu cuộc sống , yêu quê hương, đất nước của tác giả.
Câu 2(3 điểm):
1. Yêu cầu:
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
- Bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể trình bày bài viết theo nhiều cách, nhưng cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
* Giải thích:
- Phân tích ngắn gọn câu chuyện : Cùng xuất phát từ những tảng đá nhưng bức tượng thì đẹp đẽ, thiêng liêng còn những bậc thang thì đơn giản, bình thường. Để có được vẻ đẹp thì bức tượng kia đã phải trải qua quá trình đầy gian khổ.
- Vấn đề nghị luận rút ra từ câu chuyện: Cuộc đời cũng như những phiến đá kia, sau khi đã có đủ kiến thức và được tôi luyện qua những trải nghiệm cuộc sống, mọi sự học hỏi và lao động vất vả của ta sẽ mang lại cho ta sự tinh thông thật sự. Không ai có thể tự mình giàu có mà không làm việc, hay uyên bác mà không cần học tập.
* Phân tích, đánh giá
 Khẳng định câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc với mỗi người trong cuộc đời:
+ Những khó khăn, trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính, dự định của con người. Vì vậy, mỗi người phải đối mặt, chấp nhận thử thách để đứng vững, phải hình thành cho mình nghị lực, niềm tin, sức mạnh để vượt qua
+ Khó khăn, gian khổ cũng là điều kiện thử thách và tôi luyện ý chí, là cơ hội để mỗi người khẳng định mình. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn
* Phân tích, lí giải:
- Cuộc đời của con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta phải biết vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, đừng vì khó khăn, trắc trở ngay trước mắt mà vội vàng từ bỏ.
- Khó khăn, thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện cho ý chí ta thêm vững bền. Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người. Nhiều khi thử thách, chông gai lại làm con người trưởng thành hơn. 
- Những khó khăn, gian khổ mà con người cần vượt qua có thành công hay không là do chính bản thân họ, cho dù có khó đến đâu nhưng lòng người có ý chí vững vàng, niềm tin vào bản thân và dũng cảm vượt qua thì cũng sẽ thành công, còn ngược lại, không có lòng quyết tâm, ý chí tin vào chính mình, không cố gắng hết sức thì cũng sẽ không làm được gì. 
- Lấy một vài dẫn chứng để làm rõ nhận định trên.
* Bàn bạc mở rộng
- Câu chuyện ngắn gọn nhưng trở thành bài học sâu sắc về thái độ sống tích cực. 
- Phê phán những người có lối sống hèn nhát, chấp nhận, đầu hàng, buông xuôi, đổ lỗi cho phận
- Liên hệ và rút ra bài học:
 + Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cũng thuận buồm xuôi gió. Khó khăn, thử thách luôn là quy luật của cuộc sống mà con người phải đối mặt.
 + Phải có ý thức sống và phấn đấu, không được đầu hàng, không được gục ngã mà can đảm đối đầu, khắc phục nó để tạo nên thành quả cho cuộc đời, để cuộc sống có ý nghĩa.
2. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 3: Bài làm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. Văn viết mạch lạc, trôi chảy, giàu hình ảnh, cảm xúc, có tính phát hiện.
- Điểm 2: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu cơ bản. Bài rõ ý, kết cấu hợp lý song có thể còn mắc lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ.
- Điểm 1: Bài làm được một nửa số ý. Mắc một số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc làm hoàn toàn lạc đề.
*Tùy bài làm cụ thể của thí sinh, giám khảo cho các thang điểm lẻ thích hợpCâu 3: (5 điểm)
1. Yêu cầu:
a. Yêu cầu về kĩ năng
- Bài làm có bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài hoàn chỉnh, mạch lạc.
- Biết vận dụng linh hoạt các phép lập luận đã học.
- Diễn đạt trong sáng, giàu cảm xúc.
- Không mắc lỗi về câu, từ, chính tả.
b. Yêu cầu về kiến thức: 
Bài làm có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
* Giới thiệu 
 - Hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện thực đó đã tạo cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người lao động mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống cho văn học thời kì 1945 - 1975.
	 * Chứng minh:
 - Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan...
	 + Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (“Đồng chí” của Chính Hữu), những chàng trai trẻ vừa rời ghế nhà trường (“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật)
 + Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc 
 + Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp 
 - Hình ảnh người lao động mới: xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước.
 + Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người làm ăn tập thể, làm chủ biển trời, mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực, niềm vui và lòng hăng say lao động. 
 + Người lao động trong "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long mang hơi thở của con người mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp
 * Đánh giá, bình luận:
	 Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác giả văn học thời kì này đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca con người Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam giai đoạn này.
2. Tiêu chuẩn cho điểm:
	- Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có sự sáng tạo, văn viết sinh động, giàu cảm xúc.
	- Điểm 4: Bài viết đủ ý cơ bản, văn viết mạch lạc, ít mắc lỗi diễn đạt.
	- Điểm 3: Đáp ứng một nửa yêu cầu, mắc một số lỗi về diễn đạt.
	- Điểm 2: Bài sơ sài, thiếu ý hoặc còn lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	- Điểm 1: Bài viết quá sơ sài, nhiều sai sót, không hiểu rõ và không biết triển khai vấn đề.
	- Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.
*Tùy bài làm cụ thể của thí sinh, giám khảo cho các thang điểm lẻ thích hợp

File đính kèm:

  • docde_thi_mon_ngu_van_lop_9_truong_thcs_vu_huu_ma_de_01_kem_huo.doc