Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án)

Câu 1 (2 điểm). Trong bài thơ "Lại bài viếng Vũ Thị", tác giả Lê Thánh Tông viết:

“Qua đây bàn bạc mà chơi vậy, 

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2005, trang 52)

             Từ lời thơ trên, em hãy cắt nghĩa các nguyên nhân gây nên cái chết oan khiên của nàng Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ.

Câu 2 (3 điểm).

Nhà bác học qua sông

            Một hôm, có một nhà bác học ngồi trên một con thuyền qua sông. Ngồi không, cảm thấy buồn chán, nhà bác học bèn nói chuyện với người chèo thuyền. Ông ta ngẩng cao đầu, kiêu ngạo hỏi:

- Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!

Im lặng hồi lâu, người chèo thuyền trả lời một cách ngượng ngập:

- Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học.

- Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi - nhà bác học nói. Nói xong ông ta quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, không nói chuyện với người chèo thuyền nữa.

            Nào ngờ, một lúc sau, trời nổi giông bão, con thuyền đã xa bờ, chao đảo trong sóng gió, lúc nào cũng như sắp bị chìm.

            Bỗng nhiên, một cơn gió lớn thổi đến, con thuyền nhỏ bị lật, cả nhà bác học và người chèo thuyền đều bị rơi xuống nước.

- Ông có biết bơi không? - Người lái thuyền hét lớn, hỏi nhà bác học.

doc 5 trang Huy Khiêm 09/11/2023 7540
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án)

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Bình Giang (Có đáp án)
ĐỀ CHÍNH THỨC
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC: 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 9
Thời gian làm bài: 150 phút
(Đề bài gồm 1 trang)
Câu 1 (2 điểm). Trong bài thơ "Lại bài viếng Vũ Thị", tác giả Lê Thánh Tông viết:
“Qua đây bàn bạc mà chơi vậy, 
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”.
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2005, trang 52)
	 Từ lời thơ trên, em hãy cắt nghĩa các nguyên nhân gây nên cái chết oan khiên của nàng Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ.
Câu 2 (3 điểm).
Nhà bác học qua sông
	Một hôm, có một nhà bác học ngồi trên một con thuyền qua sông. Ngồi không, cảm thấy buồn chán, nhà bác học bèn nói chuyện với người chèo thuyền. Ông ta ngẩng cao đầu, kiêu ngạo hỏi:
- Anh có nghiên cứu triết học không? Đó là thứ học vấn cần thiết nhất trên thế giới đấy!
Im lặng hồi lâu, người chèo thuyền trả lời một cách ngượng ngập:
- Tôi suốt ngày chỉ biết chèo thuyền, không có thời gian nghiên cứu triết học.
- Như vậy là anh đã lãng phí mất một nửa cuộc đời rồi - nhà bác học nói. Nói xong ông ta quay mặt ra ngoài, ngắm nhìn sông nước, không nói chuyện với người chèo thuyền nữa.
	Nào ngờ, một lúc sau, trời nổi giông bão, con thuyền đã xa bờ, chao đảo trong sóng gió, lúc nào cũng như sắp bị chìm.
	Bỗng nhiên, một cơn gió lớn thổi đến, con thuyền nhỏ bị lật, cả nhà bác học và người chèo thuyền đều bị rơi xuống nước.
- Ông có biết bơi không? - Người lái thuyền hét lớn, hỏi nhà bác học.
Lúc này, nhà bác học đã bị chìm đến cổ, lập cập trả lời: 
- Không biết!
- Vậy thì ông đã lãng phí cả cuộc đời mình rồi! - người chèo thuyền nói.
 (Trích “200 bài học đạo lí”, NXB Văn hoá - Thông tin, 2011)
	Câu chuyện trên gợi cho em những suy nghĩ gì?
Câu 3 (5 điểm).
	Có ý kiến cho rằng: 
	“Bút pháp nghệ thuật chủ yếu của "Truyện Kiều" là bút pháp cổ điển. Tả cảnh, tả người phần lớn theo lối ước lệ, nhưng ở một số phương diện, thiên tài Nguyễn Du đã vượt lên trên khuôn mẫu cổ điển để tạo nên những chân dung nhân vật sinh động đa dạng.”
	Dựa vào hiểu biết của em về "Truyện Kiều" của Nguyễn Du (các đoạn trích được học), hãy làm sáng tỏ chân dung nhân vật Thúy Kiều, Thúy Vân được xây dựng vừa theo bút pháp cổ điển vừa có những sáng tạo độc đáo.
----------------------------------
Họ tên học sinh:Số báo danh:
Chữ kí giám thị 1:  Chữ kí giám thị 2:
PHÒNG GD&ĐT BÌNH GIANG
HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM 
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN 
NĂM HỌC: 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 9
(Hướng dẫn chấm và biểu điểm gồm 04 trang)
 Câu 1 (2 điểm):
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Với nội dung vấn đề mà câu hỏi nêu ra, HS biết trình bày vấn đề thành một đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ, đặt câu chuẩn xác.
- Biết sắp xếp và trình bày các ý thành hệ thống, mạch lạc.
* Yêu cầu về kiến thức:
a. Sơ lược về nỗi oan khiên của Vũ Nương (0,25 điểm)
Vũ Nương thùy mị, nết na, xinh đẹp lấy Trương Sinh là con nhà hào phú nhưng ít học, tính lại hay ghen. Trương Sinh phải đăng lính, ở nhà Vũ Nương hết lòng chăm sóc mẹ già và sinh con nhỏ. Trương Sinh trở về, nhưng đứa con nhất định không chịu nhận cha. Trương nghi ngờ vợ ở nhà làm điều thất tiết nên đã mắng nhiếc, đánh đập, đuổi đi. Vũ Nương chịu tiếng oan không làm cách nào giải tỏ được đành đến bến sông Hoàng Giang trẫm mình tự vẫn.
b. Cắt nghĩa các nguyên nhân gây nên cái chết của Vũ Nương
* Nguyên nhân đầu tiên gây nên cái chết đau đớn của Vũ Nương là do câu nói ngây thơ của bé Đản: (0,5 điểm) Nàng trỏ bóng trên vách mà bảo con là cha Đản, khi Trương Sinh bế con ra thăm mộ mẹ thì đứa con không nhận chàng là cha. 
-> Đứa con thơ nàng hết lòng yêu thương với lời nói thơ ngây đã dẫn đến tai họa cho nàng. Nàng cũng một phần có lỗi. Biết chồng có tính đa nghi hay ghen lại dỗ con bằng cái bóng mờ ảo, tạo ra trò đùa của số phận. 
* Nguyên nhân thứ hai: Chế độ nam quyền hà khắc: (0,75 điểm)
	- Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức lại không có học, ghen tuông mù quáng.
	- Trương Sinh quá gia trưởng, độc đoán, không nghe nàng giải thích, không nghe lời biện bạch của hàng xóm, buộc nàng phải tìm đến cái chết.
-> Trương Sinh thật đáng trách vì làm chồng mà không hiểu vợ. Lê Thánh Tông đã nhìn đúng bản chất sự việc nên mới xoáy sâu vào nguyên nhân chính yếu dẫn đến cái chết của Vũ Nương: Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng. 
* Nguyên nhân thứ ba gây nên cái chết oan khiên của nàng: Chiến tranh phong kiến (0,25 điểm):
	- Chiến tranh phong kiến đã làm chia cách, tan vỡ gia đình Vũ Nương. Trương Sinh phải đi lính. Thời gian xa cách là cái mầm tạo nên bi kịch. Mẹ già lúc lâm chung không được gặp con khiến Trương Sinh trở về vốn đã có tâm trạng nặng nề; con sinh ra không biết mặt cha. 
c. Nhận xét, đánh giá: (0,25 điểm)
	- Qua Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã thể hiện cái nhìn toàn diện về nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất không thể cởi bỏ của Vũ Nương. Chính những nguyên nhân đó đã cho thấy cái nhìn hiện thực sâu sắc của nhà văn, giúp nhà văn gióng vang tiếng chuông cảnh tỉnh, phê phán đối với xã hội đương thời.
Câu 2: (3 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng: 
- HS biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, biết cách phối hợp các phương thức biểu đạt và thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề.
- Bố cục rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, diễn đạt ngắn gọn, văn phong trong sáng, ít mắc lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức:
 	Bài làm của HS cần có các nội dung cơ bản sau:
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,2 5 điểm)
b. Thân bài: (2,5điểm)
* Nêu ngắn gọn nội dung, ý nghĩa của câu chuyện: (0,5 điểm)
- Nhà bác học kiêu ngạo chê người lái đò không biết triết học.
- Tình huống bão gió nổi lên, cả hai gặp nạn. Người lái đò cảnh cáo nhà bác học và cái kết phải trả giá "lãng phí cả cuộc đời" của nhà bác học.
-> Sự kiêu ngạo và cái giá phải trả; sự cần thiết phải rèn luyện kĩ năng sống ...
*Vận dụng lí lẽ, dẫn chứng để khẳng định vấn đề:(1,25 điểm)
- Mỗi người chúng ta đều có điểm mạnh của riêng mình, không nên lấy điểm mạnh của mình để đo điểm yếu của người khác. Bởi vì, mỗi chúng ta đều có điểm yếu riêng, không thể nào tất cả mọi mặt đều tốt hơn người khác. Chính vì vậy mà chúng ta không nên bao giờ cười ngạo, coi thường những người xung quanh. -> Sự kiêu ngạo đáng bị lên án, phê phán.
- Biết cách nhận thấy và học theo cái mạnh của người khác để bổ sung cái yếu của mình thì mới có thể tiến bộ. 
- Rèn luyện kĩ năng sống từ những việc nhỏ nhất để ứng phó với các tình huống xảy ra trong đời sống. Nếu không, kết quả cuối cùng sẽ giống như nhà bác học trong câu chuyện trên bị chết chìm nơi đáy sông. -> Cái giá phải trả.
* Bàn luận, mở rộng vấn đề: (0,25 điểm)
- Ngoài ra, câu chuyện còn bàn về cách ứng xử của người lái đò ở cuối truyện. Có thể chỉ cần cảnh cáo cho nhà bác học nhớ đời không nên kiêu ngạo coi thường người khác sau đó cứu ông ta thì truyện sẽ ấm áp tình đời, tình người hơn. Không nên để ông ta "lãng phí cả cuộc đời". -> Sống vị tha, bao dung...
* Liên hệ bản thân (0,5 điểm): Rèn luyện tính khiêm tốn, luôn học hỏi những người xung quanh để bản thân mình ngày càng hoàn thiện. Rèn kĩ năng sống từ khi còn nhỏ, bồi đắp dần theo các chặng đường đời. Sống phải có lòng vị tha, bao dung, nhân hậu.
c.Kết bài: (0, 25 điểm)
- Khẳng định lại ý nghĩa, tác dụng của vấn đề.
Câu 3 (5 điểm)
*Yêu cầu về kĩ năng: 
	 - Học sinh hiểu đúng yêu cầu đề bài, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Bố cục ba phần hoàn chỉnh, luận điểm, luận cứ rõ ràng, chặt chẽ, phép lập luận phù hợp.
 - Lời văn chính xác, sinh động, có cảm xúc.
 - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Yêu cầu về kiến thức:
 - Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những cảm nhận riêng, miễn là phù hợp với yêu cầu của đề. Với đề bài này cần đảm bảo những nội dung sau:
a. Mở bài: (0,5 điểm)
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và tác phẩm "Truyện Kiều"
- Nêu vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến.
b. Thân bài: (4,0 điểm)
* Giới thiệu khái quát (0,5 điểm):
- Nguyễn Du là bậc kì tài trong việc khắc họa nhân vật.
- Ông vẫn sử dụng bút pháp cổ điển, tả cảnh, tả người theo lối ước lệ: Lấy những hình ảnh có sẵn trong thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người; dùng hình ảnh thiên nhiên để khắc họa chân dung tinh thần của nhân vật, cách viết chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến: Nho giáo. 
- Sự sáng tạo của nhà thơ là rất lớn: vượt lên trên những khuôn mẫu cổ điển để tạo nên những chân dung nhân vật sinh động, đa dạng.
* Chứng minh:
- Cách giới thiệu nhân vật của đại thi hào đã cho thấy ông vừa tuân thủ bút pháp cổ điển vừa có sự sáng tạo rất lớn. (0,5 điểm)
+ Giới thiệu cô chị Thúy Kiều rồi đến cô em Thúy Vân theo đúng quan niệm tôn ti trật tự gia đình "Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân".
+ Nhà thơ sáng tạo ở chỗ: tả Vân trước, tả Kiều sau theo thủ pháp đòn bẩy; cô em chỉ được phác họa nét đẹp bề ngoài còn cô chị có cả sắc tài tình. Ông dùng bốn câu tả Vân nhưng dùng mười hai câu tả Kiều cho thấy Kiều là nhân vật trung tâm của tác phẩm.
- Khi khắc họa chân dung từng nhân vật, ông cũng kết hợp nhuần nhuyễn cách viết ước lệ với sự sáng tạo mới mẻ. (1,5 điểm)
+ Nhà thơ đã sử dụng các hình ảnh thiên nhiên mang tính ước lệ: mai, tuyết, trăng hoa, mây, ngọc, thu thủy, xuân sơn ... những công thức, khuôn mẫu quen thuộc: khuôn trăng, nét ngài, những hình ảnh ẩn dụ, tiểu đối, liệt kê, so sánh, nhân hóa, nói quá... để lí tưởng hóa, tuyệt đối hóa nhân vật.
+ Nhưng ông cũng đã cá thể hóa nhân vật. Vân được khắc họa với nhiều chi tiết- một nhan sắc rực rỡ, phô bày. Còn Kiều, ông chỉ tập trung vào đôi mắt- tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc.
+ Ông dùng sáu câu để nói về tài năng của Kiều. Cái tài nói lên phẩm cách của nàng và còn dự báo cuộc đời bi kịch của nàng.
- Ngôn từ miêu tả nhân vật của ông không chỉ khuôn mẫu, ước lệ mà còn rất nôm na, dân dã. (0,5 điểm)
+ Ông dùng nhiều từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng.
+ Ông cũng dùng nhiều từ thuần Việt giản dị nhưng lại đa nghĩa. Khi tả Vân là: đầy đặn, nở nang, thua, nhường,.. Khi tả Kiều: mặn mà, ghen, hờn. Thiên nhiên thua nhường nàng Vân. Kiều lại khác. Tạo hóa hờn ghen nên nàng sẽ có “một thiên bạc mệnh” sau này.
- Cảnh cũng góp phần khắc họa tâm trạng nhân vật vừa mang nét cổ điển vừa mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà thơ. (0,5 điểm)
+ Thiên nhiên, cảnh vật vẫn là những thi liệu quen thuộc, thường thấy trong thơ xưa: cỏ, hoa, thuyền, sóng  (Có thể nói cảnh ở nhiều đoạn trích, tập trung chủ yếu vào tám câu cuối đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”), những hình ảnh ẩn dụ, điệp ngữ,  giàu sức gợi.
+ Nhưng ông đã để cảnh thiên nhiên nói hộ tâm trạng nhân vật. Cảnh vật qua cái nhìn “Buồn trông” gợi lớp lớp tâm trạng của Kiều: cô đơn, lưu lạc, bơ vơ, hãi hùng. 
* Đánh giá: (0,5 điểm)
- Nét cổ điển kết hợp với sự sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du là một trong những nguyên nhân khiến “Truyện Kiều” trở thành kiệt tác số một trong văn học trung đại của dân tộc.
- Nguyễn Du được thừa hưởng truyền thống thơ văn bác học từ cha và anh, nguồn văn học dân gian từ mẹ, lại nhiều năm sống trên mảnh đất quê vợ Thái Bình...
- Thể thơ lục bát, ngôn từ phong phú, cách xây dựng nhân vật linh hoạt ấn tượng về ngoại hình, tài năng, tâm hồn,  Tiểu thuyết bằng thơ đã có sự phát triển vượt bậc.
c. Kết bài: (0,5 điểm)
 - Chốt lại vấn đề nghị luận.
 - Khẳng định thành công của Nguyễn Du và sức sống lâu bền của "Truyện Kiều".
* Thang điểm
Điểm 5 : Bài làm đảm bảo các yêu cầu trên. Thể hiện được năng lực cảm thụ văn học. Có kỹ năng phân tích, chứng minh vấn đề, hệ thống luận điểm, luận cứ (dẫn chứng) rõ ràng, chính xác, phong phú, thuyết phục. Chữ viết rõ ràng, sạch đẹp. Có được những câu văn, đoạn văn hay. 
 Điểm 4 : Đạt được cơ bản những yêu cầu trên. Văn viết có cảm xúc. Bố cục tương đối hợp lý. Diễn đạt gọn, ít lỗi diễn đạt.
 Điểm 3 : Bài làm chưa sáng tạo, chưa biết chia luận điểm. Cảm nhận chung chung, không sâu, chưa biết sử dụng dẫn chứng để chứng minh. Còn mắc lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
 Điểm 2 : Bài làm còn thiếu ý, nghèo nàn về cảm xúc. Diễn xuôi thơ, hoặc cảm nhận không xuất phát từ câu thơ, đoạn thơ. Chưa có bố cục hợp lí, chưa biết xây dựng hệ thống luận điểm bám sát vào lời nhận định, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
Điểm 1 : Cảm nhận và phân tích chưa đúng hướng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chưa có bố cục rõ ràng, chưa biết xây dựng và sắp xếp luận điểm.
 Điểm 0 : Bài làm lạc đề hoặc chỉ viết vài dòng, sai cả nội dung và phương pháp.
Lưu ý : Giám khảo nghiên cứu kĩ, Yêu cầu và Biểu điểm, căn cứ bài làm cụ thể của thí sinh để cho các thang điểm lẻ thích hợp.
 ___Hết___

File đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_9_nam_ho.doc